Subscribe:

Bức thư thứ mười bốn

16h45
Anh hãy giữ tập Đường thi, dùng chung với em
thôi. Em đang bận lắm, vả lại những bài hay em thuộc
hết rồi. Không biết anh ốm ra sao? Lúc anh mới tới,
em thấy anh tái xanh, nhưng trông lại rất đẹp nhé. Em
định khen nhưng có con Tú nên lại thôi. Hồi bé con Tú
chuyên được gọi là Tú tí. Nó ngoan, xinh xắn, bụ bẫm,
bé tí tẹo, và cũng làm nhiều việc buồn cười lắm. Hôm
nào em lại kể một xêri chuyện về nó nhé. Có một lần
không biết mẹ nó làm gì ấy, thế là con bé lăn ra vừa
hờn vừa khóc: Mẹ láo Tú, mẹ láo Tú! Bọn trong Nam
hay nói: Đồ láo, còn bọn ngoài Bắc lại nói láo toét. Thằng
Hùng Phúc mới học lớp ba, giờ tiếng Việt cô giáo cho
đặt câu với một từ loại đứng trước, ví dụ như Đồ chẳng
hạn; thế là nó đọc ra cả tá luôn, trong đó có Đồ láo và
Đồ vô tích sự làm em buồn cười nhất. Thằng Hùng Huế
lúc chừng bốn tuổi, một lần em thấy nó chạy ào vào
nhà như một cơn lốc, hai nắm tay đầy cát, hình như
định ném ai ấy. Con làm gì hung dữ thế con? Em hỏi. Nó
chạy ra trước cửa, tìm bọn con gái nhỏ đang chạy núp
sau chiếc thùng tono gần đó và ném thật mạnh. Nhưng
không trúng gì hết, bởi khoảng cách quá xa với cánh
tay của một đứa bé. Em hỏi: Sao con lại ném các bạn?
Nó trả lời: Chúng nó nói tầm bậy, chúng nó bảo Hùng có
bồ rồi. Đấy, ngày trước bọn trẻ con buồn cười thế đấy.
Còn cách đây 15 năm, có đứa con gái học lớp ba đã biết
đem nhẫn tặng cho bạn trai cùng lớp – tặng thằng Bốp
bên nội nhà cái Tú ấy, kèm theo một phong thư trong
đó viết: Tớ yêu ấy!Bốp sợ lỉnh mất, không dám nhận.
Hôm sau con ranh con đón đường cào rách mặt thằng
bé. Từ đấy Bốp cứ nhìn thấy con đấy là kéo sụp mũ
tận mắt tránh đường. Anh biết bây giờ thằng Bốp làm
gì không? Nó đã trở thành một nhà thiết kế và nhiếp
ảnh thời trang, rất đẹp trai, chụp ảnh rất hay, nhưng
vẫn nhút nhát. Kỳ này em vào, sẽ đón nó đến chỗ em
Phúc, làm quen với Hương để bọn chúng cùng làm
thời trang.
Bao nhiêu chuyện hay thưở nhỏ anh chẳng kể với
em gì cả. Một ngày trước khi em đi Sài Gòn nhé. Thôi
em ngủ, để lát nữa lại đọc cuốn sách của anh.
18h18 ngày 21/7
Anh nói thời giờ học? Chỉ cần thời giờ đọc sách,
sách, tri thức tinh giản và vi tính. Ví dụ tả biển. Một bài
văn sẽ chẳng ý vị gì nhiều nếu nó không có biển khác
để so sánh. Lúc đó vi tính sẽ thay thế cho vốn sống và
nạp thêm tri thức và hình ảnh biển vào nó. Song muốn
biển trở thành ký ức thì phải đến biển và sống ở đó.
Giống như người đọc những bức thư yêu và yêu thật
- đó là hai việc khác nhau. Vì bản chất của trí tuệ và
tâm trí không phải là ghi nhớ, mà là khả năng chuyển
những gì ghi nhớ được xuống cái vực vô thức, để dành,
và để một ngày nào đó nó trở thành tiềm thức và vốn
kinh nghiệm. Suy từ em, thì anh đã trở thành tiềm thức
của em, từ bao giờ không rõ; nhưng chỉ biết em nhận
ra anh rất nhanh, và, giống như loài ong, tổ của em
được kết bằng những sợi mềm của đám mây ngũ sắc.
Nhưng chỉ là để yêu anh thôi, không trói buộc. Mà mây
ngũ sắc thì trói buộc được ai? Chỉ là các thần tiên. Tửvi
của em Thái âm có mây che - mây ngũ sắc. Các nhà tử
vi bảo vì vậy văn chương rực rỡ như mặt trăng có mây
ngũ sắc vây quanh. Em đã phải chế bớt bằng cách viết
báo, song vẫn đầy nhược điểm. Nên em rất yêu những
mệnh lệnh, những truy vấn và sự nghiêm túc của anh,
và không phải em không sợ trước những điều đó.
Em yêu anh nhiều lắm, Vũ Ngạn Chi à. Nhưng mà tốt
đẹp. Như một cánh rừng thông cao và xanh biếc vậy.
Đến nỗi mấy bài thơ còi của bọn thi sĩ giả dối ấy chỉ
là những cánh bướm chập chờn. Anh hãy đừng là thi
sĩ. Anh hãy trở thành người đàn ông của em. Như thế
sang trọng và quan trọng hơn nhiều. Em cũng yêu anh
như thế, chẳng giống với thi sĩ chút nào. Em viết vì phải
có một cái gì bù đắp vào thời gian chăm sóc anh thôi.
Em khóc rồi, Vũ Ngạn Chi à. Tạm biệt anh. Đêm
nay em sẽ đọc cuốn sách của anh để tìm xem anh là ai.
EYA.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét