Subscribe:

Bức thư thứ mười lăm

4h10 Thứ Sáu 22/7
Em vừa mới đọc được thư anh viết ngày 18. Vậy
mà cứ buồn vì nghĩ anh ít viết cho em, khi anh bao
giờ cũng là một dòng sông và những cơn mưa. Trong
thư anh có khen em; nhưng điều đó có gì đâu, bởi vì
em chuyên về văn học, không hiểu mấy về thực tế. Em
thuộc tên các nhân vật nhiều hơn tên những người
ngoài đời. Văn chương nhiều khi chấp nhận cả mâu
thuẫn, của cả nhân vật lẫn tác giả. Nhưng viết cho em
thì cần gì phải hay cơ chứ, vì em nói anh và tình yêu đã
vượt qua văn chương rồi. Điều đó gần với cuộc sống,
gần với em hơn văn chương. Bởi vì y hệt như trong
cuộc đời, nếu một cái cây đang cần sống mà con suối và
những cơn mưa cứ bay lượn mãi, thì tùng bách sẽ chết
khát; và nếu như anh cũng giống như em, thì bây giờ
mình cũng chưa yêu, hoặc đã chia tay rồi.
Em không yêu một con người giống mình, và anh
khác em, đó chính là sự bao dung của Thượng đế, và
là sự kỳ diệu của Tạo hóa. Còn em, do một sự trùng
hợp may mắn nào đó, mặt trăng của ngày Rằm Tháng
Giêng đã đưa anh đến Lễ hội Thơ 2010 để gặp em, để
nhập anh vào ngày sinh của em, vào dòng suối thời
gian của cuộc đời em, một cuộc đời được tạo nên không
chỉ nhờ cha mẹ, mà còn vào bóng đêm, ánh trăng và
tất cả các bài thơ, tất cả những sử thi và các thiên tiểu
thuyết. Công anh lớn lắm đấy, như là Trời đã định như
thế rồi, rằng một dòng suối thì phải nuôi dưỡng một
cây tùng, và một cây tùng thì phải che mát được dòng
suối của mình. Nếu làm khác đi, nữ thần Định mệnh
sẽ khóc và nổi giận. Xin anh hãy tin em. Không phải vì
muốn được anh yêu mà em nói thế đâu. Linh hồn là có
thật, và định mệnh là có thật. Em cảm thấy nó, như nó
ở gần bên, như sợi dây lấp lánh có thể cầm lấy được.
Anh ơi, phải đi Chùa và đi mua sắm áo quần cho
cậu mợ và cho hai em của anh nữa, phải cúng và đốt
vàng mã vào ngày 12 tháng 7, trước ngày Rằm. Anh
hãy thuyết phục các con... Nhất thiết phải cúng muối
gạo, hoa quả bánh trái và đốt vàng mã. Không được
lưỡng lự. Nếu anh ngại thì em cùng làm với anh. Anh
cứ xem xem, vào những ngày đó, trời cứ mưa từng đợt,
như là người khóc vậy. Đỗ Phủ chẳng đã cảm ứng viết :
“Ma cũ kêu oan, ma mới khóc, Trời âm mưa thấm tiếng
hu hu” là gì?
18h
Em vừa từ nhà P về, không cắm hoa, không tưới
cây, không dọn đồ, chạy ngay lên mạng xem có thư
anh? May mà anh đã viết thư cho em. Cảm ơn anh.
Em biết có những người không mấy ai yêu như em và
anh đâu, kể cả những người trẻ tuổi, cả những người ít
hơn em đến 20 tuổi. Và tình mến yêu, cũng như sự mơ
mộng, chẳng phải là hạnh phúc vô song của chúng ta
sao? Anh có biết nhật ký em viết gì không? Cách đây
đúng một tháng em đã viết: “Cuộc sống đối với em từ nay
đã trở nên êm đềm vì có anh; và tình yêu như đặt em đứng
trước một dòng sông mênh mông. Em vui lòng đón những
cơn gió lành của hạnh phúc, và có lẽ sẽ có thể trầm mình
trước những tuyệt vọng mà không sợ hãi”.
Trưa hôm nay em đến bạn em hơi muộn. Có
khoảng 20 người khách đã xuất hiện ở đó, và em được
giới thiệu với các bạn của bạn em. Có những người em
đã nghe danh và đã gặp, nhưng chưa làm quen với
nhau. Em đem bài Tônxtôi đến, và lập tức bàn được
về một hội thảo văn học trong nhà trường, ở đó những
người như em và các bạn em sẽ phải bù đắp những
khoảng tri thức bị bỏ ngỏ của sách giáo khoa mà thế
hệ trước em không làm. Anh Văn Ngọc thì tỏ vẻ lãng
mạn, nhưng nói rằng: “Hiện nay bạn là cây bút nữ mà tôi
kính trọng. Bạn viết hay lắm”. Tất nhiên lời khen của Văn
Ngọc chỉ làm em cảm động vừa thôi. Vì ngành giáo dục
đang thiếu nhiều phụ nữcó văn tài, còn em lại làm quá
ít. Đúng ra là không muốn làm nhiều, vì toàn bạn bè
đồng nghiệp. Em vẫn đùa: “Tôi giống như anh chàng sợ
vợ; vợ dặn thấy chỗ đông người thì chớ có đứng vào”.Về sự
khôn ngoan trước thời cuộc, thì chính là nhờ Khổng Tử
và Tôn Tử đã dạy em. Em kể chuyện cho học trò nghe
những người Trung Quốc cấp tiến đã phê phán Khổng
Tử, nhưng lại khuyên môn sinh muốn sinh tồn hãy học
bậc Thánh nhân này.
Em có một người bạn có những quan niệm rất
đúng về giáo dục, về chương trình sách giáo khoa:
Những tri thức trong đó sẽ phải vừa là dòng sông
cuộn chảy, lại vừa là mặt nước hồ để soi vào. Vậy, thủy
tĩnh chính là phần có chuẩn Glatxích; còn phần cuộn
chảy chính là khả năng trung chuyển, nhắp vào các vấn
đề của thời đại, của cuộc sống thường hữu. Chương
trình còn có một phần mềm, nhưng thường bị bỏ ngỏ,
đó là phần văn học nhật dụng và thâm nhập thực tế.
Phải những người nhạy cảm mới làm được chương
trình và thể hiện điều đó trên sách giáo khoa.
Sự thực là giáo dục cần hơn một bộ sách giáo khoa.
Vì không cần phải thuộc y như nhau. Vốn văn chương
của em không thể thay thế vốn văn chương của bạn em.
VỐN - tức của riêng, được cất giữ trong ký ức, trong
trí nhớ, trong di truyền, trong hình tướng - tạo thành
số mệnh. Trong một dân tộc, trong một cộng đồng, số
mệnh mỗi người đều có liên quan, đều chịu sức chi
phối của cộng đồng, và ngược lại, đều hợp sức tạo nên
số phận dân tộc, số phận cộng đồng. Điều này cũng lý
giải vì sao các quốc gia nghèo thì nhất định giáo dục sẽ
nghèo nàn, kém phát triển. Tương thích với điều này
trong dân gian, một thực thể có lý trí hùng mạnh như
PHH thì nhất định phải làm Epghênhi của nàng vượt
thoát khỏi nỗi chán chường và tìm lại sức sống nguyên
thủy tươi mát của mình.
Anh nói ngày xưa học ít nhưng nhiều người giỏi.
Bởi vì ngày xưa học ít nên thời giờ tự do nhiều, mà chỉ
tự do thì tình yêu tri thức và năng khiếu mới phát triển
được. Ngày nay cũng nhiều người tài, nhưng không
phải do nhà trường, mà do bứt phá khỏi nhà trường,
hoặc coi cái kiến thức nhà trường là những hòn sỏi nhỏ
nâng dòng sông tri thức vuột lên.
Nếu như 14 tuổi đã đủ sức nhớ hết Tam quốc, thì
lớn lên, biên cương của đứa trẻsẽlà toàn cục Trung
Hoa, và hơn thế.
Nhưng em thích “từ từ rồi tính”. Nhưng mà anh
đã yêu em chưa? Em không muốn khi nào anh cũng
nói hôn em, yêu em mà chưa yêu em đâu.
Hôm nay em quên không nấu miến cho anh ăn rồi.
Miến, tôm khô, thịt nạc và nấm hương, mùi tàu là rất
ngon. Sao em không nghĩra chứ? Hẹn tuần sau anh
nhé. Em nhất định sẽ trở thành người chăm sóc anh gần
như tốt nhất.
19h30 ngày 24/7
Chiều nay TDD đến, hẹn sẽ đem tặng con Hương
tập thơ “Những kỷ niệm…” trước khi em đi Sài Gòn,
và nhận cuốn tạp chí Nghiên cứu Châu Âu mà em tặng.
Trong số những bạn văn, em quý TDD nhất vì anh ấy
tử tế, lịch sự và có trình độ. Em nói một vài điều, trong
đó có con số 23 và ám ảnh hiện sinh của tập thơ, TDD
đều cho là rất tinh ý.
Em nhớ anh, vừa nằm xuống, nhắm mắt lại và ôm
chiếc gối thật chặt. Em yêu chiếc gối vì có anh, và nó
bên em để yêu em. Đôi khi em nghĩ, nếu biết anh có thể
yêu em như bây giờ anh đã yêu em thì mười năm trước
em đã đi tìm anh, không âu lo, không thất vọng, chỉ yêu
anh tha thiết mà thôi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét