Subscribe:

Bức thư thứ mười tám

1h33 ThứTư, 3/8
Em đi Jetsta, nên sẽ tới 240 Trần Quang Khải, không
đến số1 Quang Trung đâu. Khi đó sẽ tính sau anh nhé.
Anh tới được từ 10h đã quá hay rồi. Em sẽ làm xong hết
mọi việc trước ngày thứ sáu, vậy mà vẫn hồi hộp.
Sáng nay em đã chuẩn bị gần xong lễ cúng chúng
sinh. Ngày mai sẽ có một cô gái tới gửi quà cho con
Hương; có thể con Tú và bọn trẻ cũng tới. Cứ như là
đi đâu lâu lắm ấy. Nhưng tính em là vậy, tất cả những
cuộc gặp gỡ, tất cả những cuộc chia tay đều quan trọng
và thực ra, đều liên quan đến số phận.
Anh biết không, tự nhiên em lại cảm thấy má anh,
khuôn mặt, cằm anh và muốn hôn anh nữa cơ. Bọn trẻ
cũng vậy, đều phải nộp má cho em hết. Còn em thì vì
sao ấy, vẫn lưu giữtrong ký ức mùi thơm của chúng,
mùi của sữa mẹ trên da thịt trẻ con, và màu hồng thơm
ngát của những bàn tay, của những đầu ngón tay bé tí
xinh tươi như những nụ hoa hồng quế đang thơm nức
lên vào mỗi buổi sáng sớm mai. Anh biết không, ở Vĩnh
Phú, ở nơi em dạy học ngày xưa ấy, có những buổi sớm
mùa đông lạnh giá, em đã thức dậy đi dạo một vòng
quanh vườn trường, và lần nào cũng xin trộm mấy
bông hồng nụ hay vài cành mận dại về cắm bên cửa sổ.
mà trời càng lạnh thì hoa càng thơm. Có một cây lau
sau lá đỏ rực giống như lá sồi mọc cách phòng em ở
không xa, và còn những cánh đồng, những cánh đồng
không biết vì lý do gì, người ta để chúng hoang dại,
mặc cho những vạt cỏ may mọc lên vô vàn, hết lớp này
đến lớp khác, làm cho cánh đồng cứ đến mùa thu và
đầu đông, lại tràn ngập một sắc tím ngan ngát mơ hồ.
Anh ạ, em muốn sau này, nếu có thể mình làm một bộ
phim về Vĩnh Phú, chỉ toàn thiên nhiên thôi, như là 100
bức tranh thu của Levitan ấy. Em sẽ mượn được máy
quay và em sẽ tìm lại được thời gian và ký ức của mình.
Thôi tạm biệt, anh yêu quý. Em bỗng nhớ đất đai
Vĩnh Phú quá, nơi có những cây cỏmay và dòng sông
Đáy chảy qua, lạnh buốt và trong suốt đến tận đáy,
đúng như tên gọi của nó, vào mùa xuân thì đầy, mùa
đông thì vơi cạn. Dọc hai bên bờ sông, vào tháng ba sau
những làn mưa vừa tạnh, trong không gian dịu dàng
không vương một hạt bụi, những hàng tre hiện lên đỏ
rực, lấp lánh như vàng. Em muốn ôm anh thật chặt và
úp mặt vào ngực anh để khóc. Những dải đất mà em đã
đi qua và chưa có dịp nào quay trở lại. Nếu không có
anh đánh thức em, vì anh là chàng trai của đất Mê Linh,
thì có thể em đã quên rồi.
25h
Thư cho em anh nói gì gì ấy, như người ngoài. Đàn
bà không nghĩ giống như đàn ông đâu. Ngoài xã hội
thì liên quan gì đến mình cơ chứ! Anh hư lắm, đó là vì
anh rất hư, đó là vì ngày xưa do cái tính coi thường đàn
bà và tự cho phép mình sống phóng túng. Tuy nhiên
anh có nể em một chút, có yêu và tôn trọng em hơn một
chút, nhưng căn bản vẫn chưa hết. Em sợ xa anh, sợ
những cuộc đi xa của anh lắm đấy. Hình như em đã báo
em đang chuyển sang giai đoạn “ghen” rồi đấy nhé, chỉ
vì sợ anh mà em chưa giơ vuốt lên thôi... Em nói thế,
nhưng thật ra là em chưa hoài nghi gì hết. Em yêu anh
và em chỉ nói thế thôi.
Ngày mai em sẽ đọc và biên tập những trang cuối
của tập bài viết cho Giáo dục. Thứ sáu anh về ăn cơm
trưa với em nhé. Em sẽ bay vào lúc 7h05 tối, vậy chừng
3h đã phải đi rồi.
Em ngủ đây. Em mệt rồi VNC ạ, mà đột nhiên
cũng hơi buồn nữa. Em định tắm một lần trước khi đi
ngủ nhưng lại không muốn nữa. Hình như nỗi buồn
làm người ta lạnh đi anh ạ. Em ngủ đây, em ngủ nhé.
16h ngày 6/8
Em chưa biết gửi ảnh. Anh chưa dạy em. Hóa ra là
em cũng biết chụp ảnh và chụp đẹp nữa. Em cũng biết
tự dàn dựng, và con Hương đã nhận thức được cái đẹp
của con người trước thiên nhiên là hòa vào thiên nhiên.
Sự nổi bật hoặc điệu bộ không là gì hết.
Những ngày như hôm nay, không có anh, em
hoang mang không biết làm gì, không biết bắt đầu
như thế nào. Lại phải làm quen lại với chợ búa và với
các quan hệ. Em cần phải có anh, em không thể có anh
một cách nông cạn như vậy được. Hãy nói anh yêu em,
nhiều, nhiều nữa.
Buổi chiều đi về nhớ viết cho em. Tạm biệt.
23h ngày 26/8
Em lên sân thượng một mình. Anh có tưởng tượng
cây sung của em vẫn còn tươi tốt? Em mua nó đúng
vào ngày anh vừa trở lại với em, khi đó nó chỉ cao chưa
đầy hơn một gang tay, giờ cành lá xum xuê và đã cao
hơn đầu em rồi, có lẽ đã cao bằng anh đấy. Người ta nói
phải uốn cành mới đẹp, nếu không nó cứ cao tớn lên
thì biết làm thế nào, cao lên đến tận trời ấy. Nhưng em
không biết uốn đâu, anh biết không? Lại “không” chứ
gì, em biết ngay mà. Em yêu nó, đến không nỡ hái một
chiếc lá. Hôm nào anh đến cùng lên xem cây sung nhé.
Tấm ảnh của mẹ luôn làm em ngỡ ngàng. Thật là
đẹp, như có linh hồn mẹ hiện diện vậy. Cám ơn anh yêu
của em, người đàn ông của em. Em đang chờ thư anh,
sẽ thức chờ đọc thư anh. Giá như có mặt anh để hôn
thì hay quá. Anh có biết em vui thế nào khi thấy má
anh trắng hồng lên khi anh xuất hiện ở nhà em, sau hai
mươi ngày liền xa cách? Thôi em gửi thư cho anh đây,
để dứt ra khỏi anh không thì chết mất.
Em càng ngày càng yêu anh, và càng ngày càng
thấy cuộc sống quý giá anh à. Đó là nhờ có anh, chính
anh đã truyền lòng yêu đời, nghị lực, sức sống và cảm
hứng vô tận cho em. Chỉ riêng kỷ luật làm việc và sức
viết như điên cuồng của anh cũng đã khiến em khâm
phục và yêu anh rồi.
Nhưng anh bây giờ thì sao? Anh có yêu em hơn
không? Anh quên mất không chăm sóc em rồi. Không
hiểu sao em mường tượng anh sẽ cười và kêu lên: Ôi
chết mất. Nhưng sự chăm sóc của một người đàn ông
nghĩa là như thế nào, chính em cũng không biết. Anh
và em vẫn chưa được sống trọn dù chỉ một ngày hạnh
phúc, và em mong có được một ngày ấy xiết bao, để
có anh, để nghe hết những lời có cánh, để cùng yêu
một và muôn vàn những đóa hoa, để cùng nhìn ngắm
những ngôi sao trong đêm và cùng đón trăng lên, và
điều căn bản là em được cảm thấy anh và những rung
động của tâm hồn anh. Em muốn được tâm hồn anh
nuôi dưỡng, như mật hoa ngọt ngào trong một bông
hoa, và điều này sẽ thật sự làm nên thi ca và những
khát vọng của em.
Anh sẽ kểcho em cuộc gặp gỡ chiều nay của anh
chứ? Lên mạng và viết cho em nhé. Cả buổi chiều nay
em ngủ, không tiếp xúc với ai hết, không đến cả nghe
điện thoại và nhắn tin nữa. Em sống một mình quen
rồi, đã quên cuộc sống với những bộn bề sôi sục, chỉ
muốn tìm một góc thế giới cho riêng mình.
Có lẽ rằng anh sẽ nói em vẫn còn sầu muộn như
vậy sao? Vâng, thỉnh thoảng em vẫn còn như vậy. Em
đang xem một phim truyền hình nhiều tập, và thấy vô
cùng thương cảm con người trước thế giới bạo lực và
phi lý này. Thôi tạm biệt anh yêu, đêm nay hãy nhớ em
anh nhé.
Có một phút, em đã cảm thấy tình yêu của anh,
và điều đó làm em rung động mãi. Cảm ơn vì anh đã
yêu em.
29/8
Tới Hương
Bác đã nhận và đã đọc hai bài về thời trang và các
tập ảnh Đà Lạt của con gửi. Ảnh đẹp, con biết chụp ảnh
đấy. Tốt lắm. Bác đã sang anh Tuấn và đến chị Tú. Tối
nay mới sang chị Mỹ được. Mồng Một sang cho vui. Tối
qua bác đến chị Tú xin được nhiều lá mơ lắm, sẽ chữa
bệnh được. Bọn trẻ vẫn rất yêu bác và đòi kể chuyện
suốt ngày.
Hà Nội không mưa ngâu như mọi năm. Tiết trời
khô và nắng, tuy không nóng lắm. Mấy cây của bác
may mà không chết. Cây sung cao lên một cách phi
thường. Sẽ phải uốn mà bác chưa biết.
Đà Lạt vẫn làm bác kinh ngạc. Nhiều hoa quá,
phong cảnh đẹp quá. Ảnh hoa của con thật xuất sắc.
Con nên suy nghĩ năng động, tìm cách vẽ trên máy
tính, đọc các bài hay trên tạp chí thời trang. Anh Tuấn
vào Sài Gòn, sẽ cùng đi Sóc Trăng với anh Khánh, với
con, với em Hùng và anh Tùng, ba thằng Bốp. Nhân
dịp này, con hãy làm quen và cộng tác với Bốp. Nó sẽ
lăng xê mẫu của con và con có thể nhân đó cộng tác
hoặc đăng cai vào làm ở đâu đó do Bốp môi giới. Mạnh
dạn lên con ạ.
Trong tuần này bác sẽ tới Viện. Bác thấy nhiều điện
thoại và tin nhắn ở máy bàn. Để xem. Thôi bác sang chị
Mỹ đây kẻo muộn.
À con tìm cái bớt có con voi đưa cho em Hùng nhé.
Không cần gửi khăn len qua bác Bình đâu. Để tháng 12
bác vào. Chào con.
29/8. Gửi TS. Văn Ngọc
Chào TS. PHH mới đi Đà Lạt về, rất vui mừng
vì nhận được thư mời xem bài của H. Bao giờ thì bạn
H viết cũng hay phải không TS? Có một bài của Bích
Hoàng,TS thấy hay không?
Có 33 cuộc điện thoại sau 2 ngày PHH đến Viện
gửi bài về Lep Tônxtôi. Viện NC Châu Âu cũng đăng lại
bài này, nhân dịp kỉ niệm Quốc Khánh Liên Bang Nga.
PHH đang sửa cuốn Tập làm văn miêu tả, kểchuyện,
đang định tới bán cho nhà xuất bản. Bài vềTônxtôi
chính là trích trong cuốn này đó. Còn phần viết về Bảo
Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, PHH thấy cũng rất được, để
đăng dần rồi tính. Thế mà bài vềXuân Quỳnh và Lưu
Quang Vũ chưa đăng được. Thực đáng tiếc vì mùa hè
sắp hết. Nhưng sao năm nay Chức Nữ không khóc?
Giống nhưPHH, Nàng đã quên Ngưu Lang, và đã đem
lòng yêu người khác rồi chăng?
Thỉnh thoảng trao đổi bài và thư cho PHH nhé.
Chúc TS vẫn hiền hậu, say mê văn chương và dễ mến
như xưa. Chúc anh trẻ và hạnh phúc.
Để PHH tìm bài viết về Tam Quốc, đã in trên Hồn
Việt, khi truyền hình đang chiếu phim này. Nếu có thể
thì nhờ TS đưa lên mạng nhé. Cảm ơn vì đã đưa bài
Về Tônxtôi.
16h ngày 30/8. Gửi Vũ Ngạn Chi
Anh không viết gì cho em cả, đáng trách quá, vì
bao giờ em cũng mong thư anh mà. Chiều nay em cảm
thấy đã hơi giận anh rồi. Anh bận gì vậy, không biết em
vẫn còn bé sao?
13h ngày 1/9
Anh yêu. Em đọc cuốn sách, tìm thấy anh và thấy
mình trong đó; thấy hạnh phúc vì người mình yêu
thật tốt.
Nhưng anh đến, em chưa kịp yêu anh thì anh
đã đi rồi. Tuần sau anh về thật lâu nhé, không thì em
khóc đấy.
Một người phụ nữcó tên trùng với bút danh của
em, đã gửi thư cho em. Lời lẽ của bà thật lịch sự và
khiêm nhường. Hồi trước em đã đăng ký vào email,
nhưng mạng đã có người đăng ký rồi. Hóa ra là bà ấy,
vì con Hương cũng lấy tên này gửi qua mạng nên trùng
hợp. Cũng là một điều hay anh à.
Em vẫn còn nhớ anh. Em cược là anh đang đói
mèm cho mà xem. Thôi để em hôn anh lần nữa. Em
quên không để vào túi một gói bánh dầy đường cho
anh rồi.
EYA, người yêu của em.
tới Hương
Bác nhờ con làm luôn cho bác một việc nhé, vì ở
Sài Gòn bác quên mất: con pha một phần ba chai nước
muối sạch rồi đổ lẫn vào chai Listerine cho em Hùng
nhé. Con cũng làm thế cho con và mẹ Phúc đi, vì muối
sẽ chống sâu răng, còn Lis sẽ chống khuẩn. Hà Nội
nắng nóng, chẳng thấy mưa ngâu gì cả, làm mất cả cảm
hứng. Hôm kia bác đã sang chị Mỹ, đem xoài, bánh và
mực sấy. Chị Mỹ hỏi ruốc có ngon không? Bác nói con
và mẹ Phúc khen ngon lắm. Chị Mỹ đã đi làm ở nơi
mới, xa hơn nhưng được 16 triệu một tháng. Thấy nhà
vui lắm.
Bác chưa gặp cô Ngọc, vì cô Ngọc ở xa quá, và trời
nóng kinh khủng. Thôi để cuối tuần. Bác vẫn yêu cô
Ngọc như đã yêu thời còn trẻ, mái tóc lộng lẫy và óng ả,
ngay cả khi cô ấy yêu chồng và bị bỏrơi. Bác một lần chải
tóc cho cô Ngọc, và đã đọc lên những câu thơ xót xa này:
“Cỏ. Lời thề nguyền của mặt đất. Bị bỏ rơi. Bị dẫm nát.
Mọc âm thầm giữa nhớvà quên”.
Thanh Thảo đấy. Một nhà thơ thật tốt, đúng không.
Bác thấy con nên cắt tóc ngắn và sấy phồng, tạo
cảm giác tóc dày và tròn. Không nên nhuộm mà nên để
màu tự nhiên và chải bóng, vì màu hung nâu của tóc
con vốn rất đẹp mà.
À bác sang anh Tuấn rất vui. Con Nguyệt Hà xinh
lắm, suốt ngày đòi kểchuyện các nhà thông thái siêu
quậy, nhất là truyện một con chuột tự dưng chui vào
mồm một quý ông. Bác đã bắt đầu viết tiếp, và việc viết
làm bác rất hứng khởi, như con làm thời trang ấy. Lần
này con thử đưa các ảnh hoa lên túi xem, với chủ đề
thời trang Đà Lạt. Giữ sức và nuôi dưỡng tâm hồn thật
tốt con nhé.
Bác viết thư cho con, gửi vào email tên con theo
một thói quen, thế là nhận được một thư trảlời từnơi
con đã sang học thời trang ấy. Chắc là tên Hương rất
hay nên nhiều người dùng. Con gái ngoan của bác ơi,
con hãy chờ đợi và vui đón một cuộc đời mới, chớ có
tiếc thương cái cũ đáng lãng quên làm gì. Bởi vì hạnh
phúc của con đang ởphía trước.
Bác yêu con.
13h ngày 12/9
Anh chưa viết cho em thư tạm biệt; hoặc anh gửi
nhầm cho ai rồi anh ạ. Nguy to rồi, vì em chỉ thấy một
thư từ thứ tưvà một thư anh viết một dòng lúc 00h05ph
thứ năm. Chắc lúc này anh đã đến nơi, đã ăn và đang
nghỉ trưa. Trời nóng, lại ở vùng núi? Em chưa biết gì về
Tuyên Quang hết. Nghe nói con gái vùng này đẹp lắm,
thật không? Nhà mình có sáu con cọp đấy nhé! Năm
con kia cứ nhìn em hoài.
Hôm nay em buồn một chút, thấy hoang vắng một
chút; và cây sung của em cao, bơ vơ một chút vì hơi bị
lãng quên. Anh biết không, em vẫn chưa dám hỏi thăm
cây lan tím của mình.
23h
Ở nhà một mình thật là buồn. Chiều nay em ra
ngoài bị mắc mưa ướt hết, nhưng mát, tắm xong và yên
tĩnh trở lại. Ngày mai em đến Viện, một lát thôi, để khi
anh về, em đã có thể bắt đầu lại một điều gì. Phải làm
nhanh trước tháng 12, vì 15 tháng 12 em lại vào Sài Gòn
20 ngày đểdu lịch và dự một đám cưới. Không có anh,
em chẳng còn lòng dạ nào mà đi đâu nữa. Buổi tối hôm
nay anh điện thoại, nói to thế, không sợ người ta nghe
thấy hay sao?
Phải đi xa, đi lâu một chút, mới biết tâm hồn mình
thật sự cần gì. Đêm nay mặt trăng đến giờ vẫn chưa đi
qua trên cửa sổ phòng em. Không biết chủ nhật anh có
về được với em không? Thôi em lại buồn rồi, không
viết tiếp nữa đâu. Anh sẽkhông làm chuyện gì sai chứ;
và em nghĩ mặc dù mình chưa bao giờ ước hẹn, nhưng
giữa chúng ta vẫn có một tình yêu trong trắng và không
khi nào được phản bội.
Một lát nữa nhắn tin cho em nhé. Hãy ngủ ngon,
anh yêu quý.
23h ngày 12/9
Em đã đọc thư anh. Cảm ơn vì anh đã khen.
Nhưng còn về sự thù ghét mà anh đã nói? thì em có ý
nghĩ khác anh.
Trong con người hỉ nộ ái ố tất nhiên là một sự
thường, nhưng một khi cầm bút, nhân danh thực tại
và nhân vật, người đó phải trung thực với chính những
quan niệm của mình, với chính những cảm xúc và kinh
nghiệm sống của mình. Không phải ngẫu nhiên mà em
đã khinh miệt bọn bán dép. Giá trị của bọn này cũng
như sự gian dối của nó đã được kiểm chứng và được
viết thành sách, (đương nhiên không loại trừ việc sáng
tạo ra giày là một phát minh rất hữu ích của nhân loại,
và những người đóng giày đẹp và chất lượng thực sự
là những người đáng kính). Sự thật là em đã đụng mấy
kẻ bán giầy, cũng như mấy đứa rửa bát quét nhà làm
em khiếp vía, ngoại trừ vài ba người giúp việc trả tiền.
Nếu kể thì dài lắm.
Anh tin không? Rằng ở cuộc đời bao giờ cũng có
một vài loại người nào đó xung khắc, hoặc luôn thích
hợp với ta, và vì điều đó, nhận thức trở thành kinh
nghiệm, cũng như ý thức và các giá trị được định vị.
Hồi xưa có một anh chàng ở trong khu tập thể
nhà em, anh ta vốn xuất thân làm nghề lái máy kéo,
lấy vợ ở Thái Nguyên, sau bỏ nghề chuyển về Hà Nội
bán giầy thuê. Vốn liếng, công việc của anh ta đổ bể, vì
thay vào mục đích bán giày, anh ta chỉ chuyên chú vào
những cặp chân và vị trí phía trên đôi chân của các cô
gái. Bề ngoài trông anh ta cũng được - tầm vóc cao vừa
phải, ngực nở, khuôn mặt xương xương dễ coi, nụ cười
có vẻ đa tình, ngoại trừ cặp mắt thường đỏ vì rượu và
mi mắt dường nhưbất động. Cửa hàng anh ta giải thể
với một đống giày dép, càng ngày càng lỗi mốt và quá
đát. Thế nhưng rồi anh ta vẫn bán hết nhờ môi giới qua
những bà nội trợ nhàn rỗi dễ phỉnh phờ và qua những
ông chồng khờ khạo. Nếu phải đi mua giày dép nhiều
nhiều anh mới có thể biết tài năng của những kẻ bán
giày, xem cách họ xỏ giày, lau giày, cởi giày và tán tỉnh.
Và có lẽ chính nhờ sự tán tỉnh này mà những cô Tấm
chân to đại (chăn trâu thì chân nhỏ làm sao được cơ
chứ!) cứ tưởng mình sắp thành hoàng hậu! (buồn cười
vì em đã có viết điều này trong một bài báo rất hay về
dạy Truyện cổ dân gian trong nhà trường phổ thông
trung học, để khi nào đưa anh coi thử).
Trong Tam quốc diễn nghĩa, nhân vật Lưu Bị thường
bị mắng là kẻ dệt chiếu đóng dép. Cho đến bây giờ,
chưa học giả nào lý giải được điều đó. Nó không đơn
thuần chỉ là sựkhinh miệt do nguồn gốc xuất thân và
phương tiện mưu sinh. Vì nếu đúng thì tại sao Quan
Vân Trường làm nghề bán thịt lại không bị các vua chúa
và các tay vũ sĩ rêu rao chửi bới? – Là vì bọn đóng dép
và bán giày thời đó cũng như thời La Quán Trung đều
luôn luôn giả trá, làm đểu và đánh tráo, vì bề ngoài
những đôi giày trông hệt như nhau, nhưng chúng sẽ
gây phiền phức không nhỏ, đặc biệt trong những tình
huống quan trọng như thiết triều hay lâm trận.
Vảlại những kẻ bán giày thường nhìn xuống đôi
bàn chân người khác nên họ khó tránh tưduy chỉ khuôn
vào một chiếc giày. Trong lịch sử tư tưởng, chẳng phải
các triết gia hiện sinh đã chế nhạo phái Heghel đi bằng
đầu và phái Macxit tư duy bằng chân đó sao? Bán dép
cũng thế. Không nịnh nọt, không vờ vĩnh, tán tỉnh,
đánh tráo – không thích. Thói quen mà. Vì vậy, nhìn từ
một khía cạnh nào đó, Tấm Cámlà câu chuyện phỉnh
phờ bịp bợm của những kẻ bán giầy, và Bộ quần áo mới
của Hoàng đế là câu chuyện đại bịp của bọn thợ may
múa may chế nhạo sự thật và cười vào mũi thiên hạ.
Tấm Cám là sự khát khao thèm muốn những gì mà hạ
tầng giai cấp không thểcó, và đồng thời là sự đan cài
hỗn hợp các vụ việc, các tính xấu và nết tốt, từ ghen
tuông đến xỏ nhầm giày, từ thật thà, chăm chỉ, hiếu đễ,
phúc hậu, đến thói ăn mắm và phương cách báo thù
quá nham hiểm và tàn bạo.
Em đã nhắc anh đọc lại phần nhận xét của Hàn
Tín về Hạng Vũ; ở đó trong cuộc trò chuyện với Tiêu
Hà, Hàn Tín nói, đại ý chê Hạng Vũ chỉ thành tâm hỏi
han những kẻ sổ mũi hắt hơi, hay hiếu hỉ– đó chỉlà
việc làm của hạng đàn bà - còn việc lớn như dụng được
nhân tài, thưởng công cho khanh tướng xứng đáng với
công trạng của họ, thể hiện phẩm cách rộng lượng của
một quân vương thì Vũ không làm nổi.
Có một nhà văn nào đó đã viết Hậu Chí Phèo,khá
thật. Chỉ nghe qua cũng thấy khá rồi. Anh cần đọc Bá
Dương, em có đấy, để thêm vào tư duy phản tỉnh. Được
đào tạo qua nhiều năm phát biểu theo tư tưởng chính
thống, nay cũng cần phản tỉnh một chút. Anh nghĩ sao?
Em bướng lắm đấy. Hồi trước không nhớ có việc
gì, MH đã nói em bố láo. Nhưng b ốláo thì có sao đâu.
Chỉ là láo cỡ bố thôi mà.
13h 13/9
Nhưng mà anh đã ngồi đâu; ở chiếu nào trong làng
văn đó, đểem còn tìm? hay là đến ngồi cạnh em như
trong đám cưới của con trai anh NTS ấy. Nếu có em, và
em lên diễn đàn, em sẽ nói tội nghiệp nhất là bọn trẻ,
bao giờ cũng bị các ông khốt bà khát đi kèm. NhưThơ
Mới ấy, sáng tạo thì làm sao mà dìu dắt được, mà cần gì
phải dìu dắt. Bởi vì tuổi trẻbao giờcũng mạnh hơn. Họ
có sẵn năng lượng sống và mơ ước, còn người già thì
chỉcó sẵn ảo tưởng và kinh nghiệm (nhưng trừ anh và
em ra nhé, bởi vì tình yêu đã khiến anh và em đi chệch
ra khỏi kinh nghệm, đúng hơn là em chẳng có kinh
nghiệm gì, còn anh thì kinh nghiệm trở nên vô dụng
- mà chính anh phát hiện ra điều này mới thú vị chứ,
không phải em đâu). Trưa nay em bận, làm cơm cúng
bố mẹ, và chuẩn bị đêm nay đón Trung thu trên sân
thượng. May ra tới 10h, mưa sẽ ngừng rơi. Em muốn
ngắm trăng thật tròn anh ạ.
Hôm nay em không buồn nữa vì anh sắp về rồi.
Em cảm thấy anh rất gần. Hay em mua một cái xe thể
thao để thỉnh thoảng tới thăm anh nhé? Từ 10 năm nay
em đã không đi xe đạp, có lẽ là từ sau khi mất cái xe
đạp Nhật. Em thấy nhớ, và bây giờ nó lại sống động
như gắn liền với em vậy.
Em gửi kèm ảnh. Đây là bông hoa có tên là Thiên
điểu. Nó thật khéo bắt chước một loại chim trời, đúng
không anh.
23h ngày 14/9
Anh yêu. 15 tháng 12 em mới vào Sài Gòn kia mà.
Hôm nay em mệt nhưng tràn đầy hạnh phúc. Cảm giác
yêu đương còn lại trong em thật ngọt ngào và bóng
đêm quanh em trở nên êm dịu hơn bao giờ hết. Càng
ngày em càng yêu anh và tình yêu này đã giúp em tìm
lại được niềm tin vào cuộc sống, vào người đàn ông
trong cuộc đời.
Chiều nay anh có kịp chuyến bay không? và có đủ
sức lực để làm bao nhiêu việc như thế không? Em thấy
mình hơi ích kỷ vì đã lấy hết tâm sức của anh và khiến
anh lúc nào cũng bận bịu về em. Không biết đêm nay
anh có đọc được thư em?
9h ngày 17/ 9
Bây giờ em mới lên mạng, trước khi ra khỏi nhà.
Cảm ơn anh vì đã yêu em. Em muốn ghé qua chỗ anh
một lát, không biết có kịp không, vì còn đi hội chợ với
một người.
Em muốn qua anh nhưng cô bé đi cùng em mãi
mới đến; từ 101 về đã là 11h30. Định mang bánh và vài
thứ nữa, và xem anh có khỏe không? Cảm giác không
gian trong em về mùa thu thật lạ, luôn tạo ra khoảng
cách giữa nơi này và nơi khác; và quãng cách cửa nó là
các không gian thu tràn ngập, các bức tranh thu chồng
xếp, bị bỏ quên, bị vùi lấp, hoặc đang mang một nỗi nhớ
nhung hay một niềm hy vọng nào đó. Ra khỏi THĐ, tắc
đường, nên em lại phải trở về nhà, chiều nay mới đi hội
chợ. Em đi nhé, anh yêu. Mùa thu hay thật, ánh mặt
trời buổi chiều hừng lên vàng rực nhưng không nóng
nữa, và trong hơi gió đã có chút sầu muộn như một
người con gái đa tình. Em đến 101, ai cũng khen đẹp,
và những người đã đọc bài báo về Tonxtoi đều nhớ và
muốn em viết nữa. Em bàn với các phóng viên Tạp chí
về phương pháp dạy văn học kèm theo mạng. Vấn đề
đặt ra là làm thếnào theo kịp tốc độ tư duy nghệ thuật
và công nghệ của các nước tiên tiến? Họ thích lắm. Đấy,
em sẽ viết như thế.
20h
Em về rồi, nhưng là đến Đại học báo chí, chứ không
đi hội chợ. Nhưng vì lẽ đó mà biết dược cuộc gặp sáng
mai của dân Sưphạm Vĩnh Phú, trường cũ nơi em dạy
học. Em đoán chắc sẽ vui lắm. Nhưng em sẽ phải nhịn
ăn từ nay tới trưa mai, và lát nữa đi photo mấy bài báo
để mai đem tặng.
Em vừa xem xong màn trình đấu cung phu của Lý
Tiểu Long, thắng võ sĩkarate Nhật Bản. LTL đánh vào
chỗ Không của đối phương bằng quyền cước, không chỉ
làm ngã đối phương mà còn làm đối phương không
phục hồi nguyên khí được - không thể bật dậy được.
Anh xem đi, từ 6h tối của HN2 mỗi ngày. Phim đóng
kém, nhưng võ thuật và triết thuật thì tạm được.
Em lo thứ ba anh không còn thời gian để về với em
đấy. Hãy tập trung vào công việc anh nhé. 10 ngày thôi
mà, Em đợi được.
18/9
Hôm qua và hôm nay anh làm gì? Có nhớ em không?
Em đi họp về và hơi mệt, bao giờ cũng vậy, chỗ
đông người mà. Nhưng em đã gặp lại những người
cần gặp nhất, nhiều ân tình nhất của Trường CĐSP
Vĩnh Phú. Bạn bè thì ít thôi. Trong số hơn 50 đại biểu
ngồi đó, em chỉ nhớ được tên không quá 10 người.
Nhưng rất lạ là các vị lãnh đạo và phu nhân của họ
còn rất nhớ em, trong đó có chị Hiền, vợ anh BĐĐ–
em trai đạo diễn Bùi Đình Hạc. Chị Hiền ngày xưa
xinh lắm, rồi vợ anh Khanh hiệu phó, ngày trước học
tại chức em dạy, người rất trẻvà rất xinh của một thời.
Cô Đoài, vợ bác Vũ Quá Hải hiệu phó của trường,
người có sách Toán ở Thư viện quốc gia - thì già hơn,
nhưng hiền hậu và yêu em lắm. Em cũng vậy; vì lại còn
cùng một Cơ quan Ban Cải cách Sư phạm nữa. Một chị
nữa tên Tâm, hơn em chừng hai tuổi, về Hà Nội trước
em, ngày xưa vẫn được gọi là Natasa vì dáng vẻ xinh
xắn của chị ấy… Mãi đến lúc nghỉ giải lao em mới
gặp được anh NG. Giao, xưa là thư ký riêng của TT
Nguyễn Cảnh Toàn, người đã giúp em vềBan CCSP
Bộ Giáo dục mà em đã kể chuyện cho anh nghe. Khi
em đến nhà cảm ơn, ngoài một bao thuốc lá Điện Biên
và một chai rượu cafe, còn chẳng có gì, thế mà anh
Giao nói: “Thôi cho anh xin bao thuốc, còn rượu em đem
về cho các bạn uống”. Đấy ngày xưa thế đấy. Quả là bây
giờ em muốn gặp lại mọi người để cảm ơn họ nhiều
nhiều. Chị Hiền vợ anh BĐĐ nói: “Mình vẫn nhớ lời
bạn nói: Không gian ở đây xanh, đến nỗi nhìn ai cũng thấy
xanh xao một cách thật là đẹp, nhất là những người đàn
bà”. Phu nhân của anh Khanh nói: “Bọn em gặp nhau
vẫn nhắc đến cô. Cô dạy thật là hay. Cô vẫn còn trẻ và đẹp,
không khác xưa là mấy”.Ai cũng nói thế anh à; nhưng
em biết em đã khác xưa rồi. Ngày xưa gầy gầy, và khi
nói đến trẻ đẹp thì không ai nói đến chữ“còn”, mà
nói: trẻ đẹp, tóc đen nhánh và mắt sáng long lanh. Có
một thế hệtrước em chừng mươi mười lăm tuổi, trông
họ rất đẹp và cao quý, khác hẳn cái vẻ tầm tầm phía
sau. Em không chú ý tới đàn ông nhưng mấy người
đàn bà bị béo và xấu đi nhiều lắm, kể cả người từng
là hoa khôi thời còn trẻ, tiếc thật. Có lẽ tại từ lâu họ đã
phải từ bỏ tri thức để đi buôn, hoặc tán dóc qua ngày,
tập thể dục thường thường hay chỉ ở nhà nội trợ hoặc
vì sinh kế phải làm nhiều việc khác.
(À mà hôm qua em thích nhất món cơm cà canh
cua, ăn năm quả liền ngon ơi là ngon, thế anh có biết
ăn không?). Em tặng bài báo cho một ít người, hy vọng
cùng nhớ lại ngọn lửa tri thức ngày xưa. Không biết
họ định quay về Trường ĐHSP để làm gì? Em định
khai triển phương pháp dạy học kết hợp mạng của
em, và cả tư tưởng địa - chiến lược nữa. Khoảng 3h
chiều nay em có một buổi dạy lớp tám gần nhà; chỉ
có ba học trò. Bố mẹ học sinh giàu lắm nhưng em chỉ
lấy 400 ngàn một buổi. Thôi em tạm biệt, lát nữa còn
dạy học.
19/9
Gửi TS. Văn Ngọc
Để tôn trọng tạp chí, anh cứ đểtên tác giả là HTH
đi. Như thế cũng khỏi phải chú thích gì cho mệt. Thống
nhất thế TS nhé. Vả lại nếu có ý kiến phản hồi, tác giả
có thể nhờ tạp chí mở diễn đàn chính thức tranh luận,
tiện hơn nhiều. Dân mạng nhiều tinh hoa, nhưng cũng
nhiều chợbúa, cẩn thận tránh xô xát vô ích.
Cảm ơn TS.
À ! PHH đáng lẽ phải chua thêm vào khảo luận
Tấm Cám rằng nếu Tấm Cám là trò bịp thành công
của những nghệ sĩ bán giầy, thì “Bộ quần áo mới của
Hoàng đế” sẽ là trò đùa tôn vinh những gã thợ may
thông minh lừa đảo. Cũng nhờ những gã thợ này mà
sự thật mới dần hé ra những giá trị đảo ngược, và hóa
ra những nhà văn châu Âu thích đùa và không nghiêm
trọng như những nghệ sĩ dân gian - tác giả của Tấm
Cám.PHH sẽtìm “Trẻ em và những nhà thông thái
siêu quậy” mà Hồn Việt đã đăng năm 2010.
Cảm ơn và tạm biệt.
22h30 ngày 20/ 9, tới Vũ Ngạn Chi
Em lên mạng, không thấy thư anh, thật là buồn.
Thểnào anh cũng nói: “Thì hôm qua anh đã viết cho em rồi
thôi”, y hệt như Hùng Phúc ngày xữa đã nói. Đêm nay
thằng cu Minh bay sang Mỹ, nhưng đến tháng 12 lại
về nghỉ đông rồi, vậy mà em vẫn thấy mắt cay cay làm
sao ấy. Nó mới mười bảy tuổi, đã vững vàng gì đâu.
Mà chẳng biết võ nghệ gì. Thứ ba anh không về đúng
không? Thôi để em tập sống không có anh cho quen đi,
mà cũng để anh đỡ bận nữa.
Gửi anh biểu tượng của vi tính và hoa Dạ thảo.
23h
Anh về thật à? Như thế thì vui quá. Em đang ủ
dột buồn rầu, ngủ mơ xem phim còn thấy nhân vật bị
người yêu phản bội. Tỉnh dậy thấy mình đang khóc.
Anh cố làm xong mọi việc để về với em nhé.
Những nhạc sỹ và những nhà bình thơ ngẫu hứng
làm sao viết được khi không có đề tài, và khi những đề
tài này chỉ bật lên từcuộc sống thường ngày, trong một
khoảng thời gian như mây bay? Em nghĩ rằng anh cần
chuẩn bị tốt cho chuyến đi , như sức khỏe, giấy tờ, tư
liệu, quần áo, tiền bạc.
Em dặn: Thứ tư ngày không tốt lắm, anh cẩn thận
kẻo mất đồ nhe. Còn tiền đừng để túi sau.
À em quên, đấy là hoa cánh bướm màu hồng. Anh
thấy những cánh mỏng màu hồng của nó bị gió thổi hơi
bạt đi một chút trông có dễ thương không? Rồi em sẽ lo
âu từ nay cho đến lúc anh tới Sài Gòn, thuê được khách
sạn, và tới lúc anh tới văn phòng luật. Buồn cười thật, vì
anh có phải trẻcon đâu, nhưng mà cứthế đấy.
Hoa đẹp quá, nhất là hoa hồng. Cảm ơn anh.
23h ngày 21/9
Anh về ít quá. Cũng như lần trước, em chưa kịp
yêu anh thì anh đã đi rồi.
Em muốn gửi bài của Ngô Bảo Châu cho anh,
nhưng lại không biết cách. Hoặc là em đã quên rồi anh
yêu ạ. Em sẽ không làm được gì, ngoại trừ nghĩ đến
anh và tình yêu của chúng ta. Ngày mai, tối mai, đêm
mai, có nghĩa là anh sẽ xa em một ngàn bảy trăm cây
số, nghĩa là gấp hơn 400 lần quãng đường hàng ngày
từ anh đến em. Sao mà xa thế. Nhưng anh yêu em đúng
không, và không thể không yêu em được. Em cũng thế.
HAYCE. Đố anh biết đây là chữ gì đấy?
Không biết khi nào anh mới có thể đọc thư em?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét